Nhập Email của Bạn để nhận Tin Sinh Hoạt từ Tu Viện Kim Cang

TÌM KIẾM  

Tìm Theo

TRANG NHẤT > PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Cập nhật ngày 07/10/2008 (GMT+7)

15 - Tín Tâm, Tu Hành-Bốn Món Tín Tâm Và Năm Môn Tu Hành

BÀI THỨ MƯỜI LĂM

CHƯƠNG THỨ TƯ 

PHẦN TÍN-TÂM, TU-HÀNH 

CHÁNH VĂN 

       Chương này là căn-cứ vào nhóm chúng-sanh chưa vào chánh-định mà nói về việc tín-tâm tu-hành.  Về tín-tâm thì ước-lược có bốn món, còn tu-hanh lại có năm món. 

A.    NÓI VỀ BỐN MÓN TÍN TÂM 

1.      Tin căn-bản, tức là ưa nghĩ nhớ pháp Chơn-như. 

2.      Tin Phật có vô lượng công-đức; hành-giả thường phải nghĩ tưởng, gần gũi, cung-kính và cúng-dường chư Phật, để phát-khởi căn lành và nguyện cầu đặng “Nhứt thế trí “. 

3.      Tin Pháp của Phật có lợi-ích lớn; hành-giả phải thường nhớ tu-hành các pháp Ba-la-mật. 

4.      Tin Tăng là người chơn-chánh tu-hành, tự lợi lợi tha, và hành-giả thường ưa thân-cận các vị Bồ-tát để cầu học cái hạnh chơn-thật. 

LƯỢC GIẢI 

       Luận này có năm chương, ba chương đầu là phần ly-thuyết, chương thứ tư nói về thật-hành, tức là việc khởi tín tâm tu-hành, nên chương này rất cần-thiết cho hành-giả. 

       Vậy người nào mới có thể khởi tín-tâm tu-hành?  Bồ-tát Mã-minh nói:  “Phải chúng-sanh chưa vào chánh-định, mới có thể khởi tín-tâm tu-hành”.  Tại sao thế?  - Vì những người tà định (ngoại đạo) không đã vào chánh-định rồi, thì theo Ðại-thừa; còn những người đã vào chánh-định rồi, thì không cần phải nói nữa; duy có người bất-định (không nhứt định Ðại-thừa hay Tiểu-thừa) chưa vào chánh-định, mới có thể khởi tín tâm tu-hành theo Ðại-thừa được. 

       Vậy hành-giả phải tin cái gì?  - Có bốn món:  Trước nhứt hành-giả phải tự tin nơi bản-tánh chơn-như của mình, tức là tin mình sẵn có tánh Phật (khả năng thành Phật), cũng gọi là tin tâm Ðại-thừa.  Tin như thế nào?  - Phải luôn luôn tin tưởng và nghĩ nhớ tâm Chơn-như của mình, Thể nó lớn, Tướng nó to, Dụng nó đại.  Ðó là điều tin căn-bản; còn ba điều tin sau này, cũng do tin căn-bản mà ra, tức là tin Tam-bảo – Tin Phật là người đã chứng được chơn-như; tin Pháp là phương pháp để thực-hiện chơn-như; tin Tăng là người đang thật hành theo chơn-như. 

       Hành-giả tin Phật để cầu được nhứt-thế-trí; tin Pháp để tu-hành theo các pháp Ba-la-mật; tin Tăng để học theo hạnh chơn-thật. 

CHÁNH VĂN 

B.     NÓI VỀ NĂM MÓN TU HÀNH      

  1. Bố-thí.
  2. Trì-giới.
  3. Nhẫn-nhục.
  4. Tinh-tấn.
  5. Chỉ, quán (Ðịnh, Huệ).  

Thế nào là tu Bố-thí?  -  Nếu thấy có người đến xin, hành-giả có những tài vật gì tùy theo sức mình, đem bố-thí cho người, thì sẽ được hai điều lợi-ích: tự mình bỏ được lòng tham-lam, bỏn-sẻn, và người thọ thí được vui mừng.  Nếu thấy người bị tai-nạn, sợ-hãi lo buồn; hành-giả tận khả-năng của mình cứu giúp, làm cho họ hết lo sợ; gọi là thí vô-úy (bố-thí cái không sợ).  Nếu có người đến cầu nghe Phật pháp; hành-giả tùy theo sự hiểu biết của mình, phương-tiện thuyết pháp; thuyết pháp với tâm niệm tốt đẹp là nghĩ vì tự lợi lợi tha và hồi-hướng về đạo Bồ-đề, không vì danh-lợi hoặc cầu người cung-kính. 

LƯỢC GIẢI 

       Về việc tu-hành, hành-giả chỉ tu pháp Lục-độ thì những hạnh tự lợi và lợi tha đều được đầy đủ. 

       Bố-thí, có ba thứ: thí tài, thí pháp, và thí không sợ. 

1.      Tài thí: 

Tức là thí của, có hai thứ của: a)  Ðem tiền bạc của-cải của mình giúp cho người, gọi là ngoại-tài (của ngoài thân); b)  Hy-sinh thân-mạng mình để cứu người, như cho máu những người thiếu máu v.v… gọi là thí nội-tài (của trong thân).  Thí ngoại-tài thì hành-giả sẽ trừ được tâm bỏn-sẻn về tiền của.  Thí nội-tài thì hành-giả sẽ bớt được tâm chấp ngã và tự-ái. 

2.      Thí pháp: 

Tức là thí phương-pháp, có hai phần: a)  Chỉ dạy cho người những phương-pháp (nghề-nghiệp) chơn-chánh để tự nuôi sống, gọi là thí về pháp thế-gian; b)  Dạy người những phương-pháp tu-hành để giải-thoát sanh-tử luân-hồi, gọi là thí về pháp xuất-thế-gian.  Thí pháp, hành-giả sẽ trừ được tâm bỏn-sẻn về pháp. 

3.      Thí không sợ: 

Tức là thí cái không lo-sợ, cũng có hai phần:  a)  Về phần tiêu-cực, mình không làm cho người lo sợ, gọi là thí không sợ; b)  Về phần tích-cực, thấy người bị hoạn-nạn, đang lo sợ, mình tận lực cứu giúp, làm cho người hết lo sợ, cũng gọi là thí không sợ.  Bố-thí không sợ, hành-giả sẽ nuôi lớn được lòng từ-bi. 

CHÁNH VĂN 

       Thế nào là tu Trì-giới ? -  Không sát-sanh, trộm cắp, dâm-dục, không nói lời dâm thọc, nói lời độc ác, không nói dối, nói thêu dệt, không tham sân si, tật-đố, dua-nịnh, dối-trá và tà kiến.  Nếu là người xuất-gia thì, vì còn dẹp-trừ phiền-não, nên phải xa-lánh chỗ ồn-ào, thường ở chỗ thanh-vắng, tu hạnh thiểu dục tri túc hoặc tu hạnh đầu đà v.v…  Cho đến một lỗi nhỏ, hành-giả cũng phải sanh tâm hổ-thẹn, ăn-năn sám-hối và kiên-sợ; không dám khinh giới luật của Phật.  Hành-giả phải giữ-gìn, đừng để cho người chê bai khinh hiềm, tại mình mà họ tạo tội-lỗi. 

LƯỢC GIẢI

       Giới-luật của Phật chế ra, tổng-quát có ba phần, gọi là “ Tam tụ tịnh giới ” (ba phần giới thanh-tịnh): 

  1. Bỏ các điều tội lỗi, gọi là “ Nhiếp luật nghi giới “.
  2. Làm các việc lành, gọi là “ Nhiếp thiện pháp giới “.
  3. Làm lợi-ích chúng-sanh, gọi là “ Nhiêu ích hữu-tình giới “.  

Hành-giả tu theo Ðại-thừa, một mặt là phải giữ ba phần giới này cho thanh-tịnh; một mặt nữa là đừng làm những điều gì, để cho thế-gian đàm-tiếu, mà họ mang lấy tội lỗi. 

CHÁNH VĂN 

       Thế nào là tu Nhẫn-nhục ?  -  Nhẫn nhục những điều người ta làm cho mình khổ-não, trong tâm hành-giả cũng không nghĩ tưởng đến việc trả thù; và nhẫn chịu tám hướng gió của trần-gian thổi đến: 1- Thạnh-lợi, 2- Suy-bại, 3- Hủy-báng, 4- Danh-dự, 5- Khen, 6- Chê, 7- Khổ, 8- Vui. 

LƯỢC GIẢI 

       Tất cả những hoàn-cảnh, làm cho hành-giả tạo các tội lỗi, không ngoài tám điều, gọi là “ Bát-phong “ (tám ngọn gió); nhưng tóm lại thì có hai cảnh: thuận và nghịch. 

       Tài lợi, danh-vọng, khen ngợi và vui là bốn ngọn gió thuận cảnh, nó thổi vào biển tâm của hành-giả, làm cho nổi lên vô lượng sóng tham-lam.  Suy-bại, hủy-báng (công kích lỗi người), chê-bai (nói xấu) và khổ là bốn ngọn gió nghịch-cảnh, nó thổi vào biển tâm hành-giả, làm cho nổi lên không biết bao nhiêu sóng sân-hận. 

       Hành-giả khi gặp các thứ gió, dù thuận hay nghịch, cũng đều phải giữ-gìn biển tâm của mình cho yên-lặng; đừng để các sóng phiền-não như tham-lam hay sân si v.v… nổi lên.  Như thế gọi là tu pháp Nhẫn-nhục Ba-la-mật. 

CHÁNH VĂN 

       Thế nào là tu Tinh-tấn?  -  Lập chí kiên-nhẫn, tu các việc lành, tâm không trễ-nãi và không khiếp nhược.  Hành-giả phải thường nhớ rằng, từ quá-khứ nhiều kiếp lâu xa đến nay, đã thọ không biết bao nhiêu thân tâm hư-giả và chịu không biết bao nỗi khổ lớn-lao, đều không có lợi-ích gì cả.  Bởi thế nên đời nay, ta phải siêng năng tu các công-đức, làm những việc tự lợi lợi tha, để mau xa lìa các khổ. 

       Lại nữa, nếu người tín tâm tu-hành, mà bị các nghiệp-chướng đời trước làm chướng-ngại, hoặc bị các tà-ma ác-quỉ nhiễu-hại, hay bị việc đời ràng buộc, hoặc vì bịnh khổ làm não bức v.v… thì hành-giả phải tinh-tấn dõng-mãnh, ngày đêm sáu thời lễ Phật tụng kinh, thành-tâm sám-hối, thường hành không bỏ phế; khuyên thỉnh Phật trụ thế và tùy-hỷ các việc công-đức, để hồi-hướng về đạo-quả Bồ-đề.  Phải làm như thế, hành-giả mới khỏi các điều chướng-ngại và căn lành tăng-trưởng. 

LƯỢC GIẢI 

       Tinh-tấn là một yếu-tố để thành-công trên đường đời cũng như trên đường Ðạo.  Người tu-hành nếu thiếu tinh-tấn thì không bao giờ thành đạo chứng quả được.  Tinh là tinh-chuyên một việc; Tấn là tiến tới không dừng. 

       Hành-giả lập chí dõng-mãnh, chuyên tu các pháp lành, tâm không khiếp-nhược, phải thường nhớ rằng: Từ vô lượng kiếp đến nay, ta thọ biết bao nhiêu thân, chịu biết bao nhiêu khổ, nhưng không làm được điều lợi-ích gì cả!  Vậy đời này ta phải tu các công-đức, để xa-lìa các tội khổ.  Nếu người bị nghiệp-chướng đời trước nặng-nề, hoặc tà-ma ác-quỉ nhiễu-loạn, hay việc đời ràng-buộc, bịnh hoạn làm khổ não v.v… khó thành đạo được; hành-giả phải ngày đêm sau thời, tụng kinh sám-hối, không nên bê-trễ, thì các chướng ngại sẽ hết, và căn-lành tăng-trưởng. 

CHÁNH VĂN 

       Thế nào là tu Chỉ, Quán? -  Chỉ nghĩa là đình-chỉ tất cả các vọng-tưởng (định), để tùy-thuận theo quán-không (xa-ma-tha); Quán nghĩa là quán-sát các tướng nhơn-duyên sanh-diệt (huệ) để tùy-thuận theo quán-giả (tỳ-bác-xá-na). 

       Sao gọi là tùy-thuận?  -  Do hành-giả từ từ tu-tập, một lần cả Chỉ và Quán, đều không rời nhau, nên gọi là tùy-thuận. 

LƯỢC GIẢI 

       Tu Chỉ, Quán tức là tu Thiền-định và Trí-huệ.  Chỉ là đình-chỉ các vọng-tưởng, tức là Ðịnh; Quán là quán-sát để thấu rõ chơn-lý của các pháp, tức là Huệ.  Tu Chỉ, Quán sẽ được Ðịnh, Huệ; vì Chỉ, Quán là Nhơn, mà Ðịnh, Huệ là Quả. 

       Trong Lục-độ, chia riêng ra Thiền-định và Trí-huệ là muốn cho hành-giả thấy rõ hành-tướng, công-dụng và kết-quả của hai pháp-môn khác nhau.  Trong Luận này về chướng “Tín-tâm, tu-hành”, Bồ-tát Mã-minh cũng dạy tu Lục-độ, nhưng hai độ sau lại chung một và không gọi tu Ðịnh, Huệ mà gọi tu Chỉ Quán?  -  Vì Bồ-tát muốn cho hành-giả phải hiểu rằng:  Về phần tu nhơn thì hai pháp này rất liên-quan với nhau, nên không thể rời nhau; nghĩa là hành-giả phải đồng thời tu cả Chỉ và Quán.  Trong Chỉ có Quán, trong Quán có Chỉ.

       Thế nào là trong Chỉ có Quán?  -  Nghĩa là muốn ngăn-ngừa đình-chỉ không cho các vọng-tưởng nổi lên, thì hành-giả phải quán-sát các pháp là không; bởi các pháp là không, nên hành-giả chẳng chấp có, và không khởi tâm tham-sân v.v… 

       Thế nào là trong Quán có Chỉ ?  -  Nghĩa là hành-giả quán-sát các pháp đều do nhơn-duyên hòa-hiệp, sanh không phải thật sanh, mà diệt cũng phải thật diệt.  Vì các pháp do nhơn-duyên hòa-hiệp giả có, nên hành-giả chẳng chấp không, và chẳng sanh các phiền-não. 

NÓI VỀ TU CHỈ (ÐỊNH)

CHÁNH VĂN 

       Nếu tu “ Chỉ “ (định), hành-giả phải ở chỗ thanh-vắng, ngồi ngay thẳng, tâm chơn-chánh, chẳng nương hơi thở, chẳng nương hình sắc và hư-không, chẳng nương đất, nước, gió, lửa, chẳng nương thấy, nghe, hay, biết, cho đến các tưởng niệm đều diệt trừ, rồi hành-giả dẹp luôn cái “ tâm niệm “ trừ tưởng-niệm nữa. 

       Do tất cả các pháp từ hồi nào đến giờ, mỗi niệm không sanh, mỗi niệm không diệt, nên hành-giả phải không các tưởng-niệm và cũng không tưởng cảnh-giới ngoài tâm, rốt sau rồi lấy tâm trừ tâm.  Nếu tâm vọng-tưởng rong-ruổi, thì hành-giả phải liền đem trở lại chánh-niệm.  Phải biết “chánh-niệm” đây, tức là “duy-tâm”, không có ngoại-cảnh.  Và cái tâm này cũng không hình-tướng gì có thể tưởng-niệm được. 

LƯỢC GIẢI 

       Hành-giả tu Ðịnh (Chỉ), phải ở chỗ thanh-vắng, tránh xa nơi ồn-ào náo-nhiệt; thân ngồi ngay thẳng, không ngước không cúi; tâm phải chơn-chánh, tỉnh-táo sáng-suốt và tịch-tịnh, không phù không trầm; phải thoát ly thân, nghĩa là không nương hơi thở (không sổ-tức), không nương hình sắc; phải thoát ly thế-giới, không nương hư-không và tứ đại; và phải thoát ly tâm, không nương thấy nghe hay biết. 

       Hành-giả phải trừ hết các tưởng-niệm, rồi cái tâm-niệm trừ các tưởng đó cũng dứt luôn; phải biết các pháp từ hồi nào đến giờ, chỉ là nhứt tâm (duy-tâm), không sanh không diệt, không có cảnh-giới ngoài tâm.  Bởi thế nên tâm vừa vọng-động rong-ruổi theo trần-cảnh, thì hành-giả phải thâu lại đem về chánh-niệm tức là nhứt tâm, gọi là “dùng nhứt tâm diệt các vọng-tưởng”; rốt sau cái “tâm” này (nhứt tâm) cũng không còn, gọi là “dùng tâm trừ tâm”. 

       Các vị Cổ-đức có dạy rằng:  “Người tham-thiên, trong phải thoát ly thân tâm, ngoài xa-lìa cảnh-giới; nghĩa là phải rời tâm, ý, thức mà tham-cứu, phải ra khỏi con đường thánh phàm mà tu học, phải viễn-ly các cảnh-giới vọng-tưởng mà cầu đạo”.  Tóm lại, là phải phóng xả tất cả. 

CHÁNH VĂN 

       Lại nữa, trong tất cả thì-giờ, khi đi đứng nằm ngồi, tới lui qua lại, làm tất cả việc, hành-giả phải thường nhớ phương-tiện (phương-tiện tùy duyên chỉ), nghìa là tùy-thuận quán-sát.  Hành-giả tu tập như vậy lâu ngày thuần-thục, thì tâm được an-trụ; do tâm an-trụ lần lần mạnh-mẽ, nên dẹp sâu phiền-não, tín-tâm tăng-trưởng, đặng tùy-thuận vào chơn-như tam-muội, mau thành vị Bất-thối.  Chỉ trư những người nghiệp-chướng sâu dày, nghi-ngờ bài báng không tin, hoặc ngã-mạn biếng nhát, thì không thể nhập Chơn-như tam-muội được. 

       Và hành-giả nhờ nương pháp Chơn-như tam-muội này, mà biết được pháp-giới duy-nhứt; nghĩa là nhận rõ Pháp-thân của chư Phật và thân chúng-sanh bình-đẳng không hai, nên cũng gọi là Nhứt-hạnh tam-muội. 

       Phải biết Chơn-như là căn-bản của các pháp tam-muội; nếu hành-giả tu pháp tam-muội này, thì lần lần sẽ được vô lượng pháp tam-muội. 

LƯỢC GIẢI 

       Ðoạn này nói về “Phương-tiện tùy duyên Chỉ “; nghĩa là tu thiền-định không những thường ngồi, mà còn phải phương-tiện tùy duyên tu-tập, không cho gián-đoạn.  Khi đi đứng nằm ngồi làm các việc, hành-giả cũng phải luôn luôn quán-sát tu-tập; như thế lâu ngày tâm được an-trụ, nhơn đó định-lực lần lần mạnh-mẽ, nên tín-tâm tăng-tấn, dẹp sâu phiền-não, được tùy-thuận vào Chơn-như tam-muội, thành bực Bất-thối.  Chỉ trừ những người hủy-báng không tin, thì không được vào chơn-như tam-muội. 

       Hành-giả được  Chơn-như tam-muội rồi, thì biết pháp-giới là một, chúng-sanh và chư Phật bình-đẳng không hai, mê ngộ đồng một tánh, nên cũng gọi là Nhứt-hạnh tam-muội (Tam-muội đồng nhứt thể). 

       Chơn-như tam-muội là căn-bản của các pháp tam-muội, nên người ngộ được Chơn-như tam-muội rồi thì sẽ được các pháp tam-muội khác. 

       Chữ “Tam-muội”, Tàu dịch là Chánh-định hay Chánh-thọ; nghĩa là tu Ðịnh đã đến lúc thuần-thục hay đúng mức. 

       (Ðã nói tu thiền-định, tiếp sau đây sẽ nói các việc ma).

HT. Thích Thiện Hoa
Quay lại In bản tin này Gửi tin này cho bạn bè  
 BÀI HỌC KẾ TIẾP
(Phật Học Phổ Thông Khóa thứ X & XI)
16 - TÍN TÂM, TU HÀNH-CÁC THỨ MA CHƯỚNG VÀ MƯỜI ÐIỀU LỢI ÍCH TU THIỀN
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
 

Xem tin ngày:


Trang Chủ | Lịch Sinh Hoạt | Hình Ảnh | Âm Nhạc | Trắc Nghiệm |  Xem Phim | Liên Kết |  Liên Hệ
Liên hệ kimcangtuvien@yahoo.com
4771 Browns Mill Road Lithonia Georgia 30038-2604 Tel:(770) 322-0712